Phát triển sản xuất công nghiệp an toàn, linh hoạt, thích ứng với dịch bệnh
9 tháng đầu năm, trong bối cảnh một số địa phương trên địa bàn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg, đặc biệt là việc cách ly tuyệt đối nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì, phát triển. Tại nhiều huyện, thành phố, giá trị sản xuất công nghiệp trong 9 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng đáng ghi nhận so với cùng kỳ năm ngoái như: Huyện Vụ Bản đạt 4.210 tỷ đồng, tăng 42%; thành phố Nam Định đạt 12.204 tỷ đồng, tăng 14,35%; huyện Trực Ninh đạt 4.641 tỷ đồng, tăng 11,1%… Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 11,72% so với cùng kỳ năm trước; nhiều nhóm ngành, sản phẩm còn tăng khá (từ 9 đến gần 15%) so với cùng kỳ năm trước như dệt may, da giày, thuốc, dược phẩm, cơ khí sắt thép, phụ tùng xe có động cơ. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tăng 2,37% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, loại hình doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 2,27%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,57%.
|
Gia công đế và mũi giày dép tại Công ty TNHH Nice Power (Giao Thủy). |
Đạt được kết quả kể trên, bên cạnh nỗ lực nhanh chóng khoanh vùng, kiểm soát được dịch bệnh của các cấp chính quyền, ngành chức năng là tinh thần chủ động, linh hoạt trong điều hành sản xuất, kinh doanh, ứng phó với các tình huống dịch bệnh của các doanh nghiệp. Để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành, giúp tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong điều kiện còn hạn chế về vốn, nhiều cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp khu vực nông thôn đã tích cực tiếp cận, khai thác kinh phí từ các nguồn hỗ trợ đầu tư, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến. Thông qua chương trình khuyến công của tỉnh, 5 cơ sở thuộc các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Ý Yên đã được hỗ trợ đầu tư, đổi mới máy móc thiết bị sản xuất của các lĩnh vực: chế biến thủy hải sản, chế biến gạo, sản xuất gỗ mỹ nghệ và dân dụng, đúc kim loại. Qua đó đã giúp các cơ sở tăng năng suất lao động từ 30%-40% và mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng từ 20%-50% lợi nhuận. Theo đồng chí Nguyễn Đức Hiến, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Hải Hậu: Dù gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng các doanh nghiệp vẫn đề cao tinh thần trách nhiệm xã hội với những đóng góp thiết thực về công sức, tiền bạc cho cuộc chiến chống dịch COVID-19 qua những chuyến hàng hóa, thiết bị y tế, suất ăn gửi đến tuyến đầu chống dịch... Dù phải gia tăng đáng kể chi phí cho công tác kiểm soát, phòng chống dịch tại đơn vị nhưng các doanh nghiệp đều rất ý thức về đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất; chú trọng chăm lo chế độ an sinh xã hội, ổn định việc làm, giữ chân người lao động như tăng lương, thưởng, phúc lợi khi doanh nghiệp sản xuất có hiệu quả; chi trả, hỗ trợ tiền đi đường, các chi phí y tế theo yêu cầu kiểm soát dịch bệnh. Việc chú trọng chăm lo cho người lao động đã giúp các doanh nghiệp không bị đứt gãy, thiếu hụt nguồn nhân lực; nhất là trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9, nhiều doanh nghiệp gia tăng nhân lực, công suất để gấp rút hoàn thành đúng thời hạn, chất lượng các đơn hàng vừa phát sinh từ các đối tác mới. Theo đánh giá của UBND tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực biến “nguy” thành “cơ”, nhanh nhạy khai thác ở mức cao nhất những tín hiệu, cơ hội nhu cầu của thị trường. Trong đó, các doanh nghiệp dệt may không chỉ khai thác hiệu quả đơn hàng dịch chuyển trong giai đoạn nhiều tỉnh bạn ngừng hoạt động sản xuất do thực hiện quy định giãn cách, phong tỏa chống dịch; mà còn tranh thủ thiết lập sự tin tưởng, hợp tác sâu hơn; được nhiều bạn hàng có tên tuổi, thương hiệu lớn ký kết các đơn hàng dài hạn, duy trì việc làm cho người lao động, thậm chí có doanh nghiệp đã ký được đơn hàng đảm bảo việc làm đến hết năm 2022.
Để tiếp tục tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 120/KH-UBND ngày 16-10-2021 chỉ đạo các ngành, các địa phương phải thống nhất thực hiện công tác kiểm soát tình hình dịch bệnh theo quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Trong đó, các ngành, các địa phương phát huy tính chủ động, sáng tạo, bảo đảm mục tiêu kép nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; đồng thời không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất. Trong huy động sự tham gia của tất cả các lực lượng, các tầng lớp nhân dân, phải phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch, trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt an toàn. Trong tình huống dịch bệnh ở cấp 1, 2, 3 (tương ứng: nguy cơ thấp - bình thường mới, nguy cơ trung bình, nguy cơ cao) các cơ sở sản xuất được phép hoạt động; nếu dịch bệnh ở cấp 4 (nguy cơ rất cao) các cơ sở sản xuất được hoạt động nhưng phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19. Từ nay đến tháng 12-2021, biện pháp áp dụng đối với các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp sẽ được nới dần từ 50%-70%-100% theo tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng COVID-19 tại tỉnh.
Hiện Sở Công Thương phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan bám sát tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất, thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh theo quan điểm “xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất an toàn, có tổ chức, an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong và ngoài nước; đẩy mạnh triển khai và đa dạng hóa các chương trình kích cầu nội địa thông qua kích thích tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối các mặt hàng thiết yếu. Ban Quản lý các KCN tỉnh chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp, xí nghiệp trong các KCN; phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện đánh giá nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 2194/QĐ-BYT, đảm bảo hoạt động sản xuất trong tình hình mới. Các ngành, các địa phương phối hợp, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, đôn đốc, nhắc nhở việc chấp hành các quy định, giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong sản xuất, thực hiện đúng kế hoạch sản xuất an toàn đã được chấp thuận; xử phạt nghiêm, yêu cầu tạm dừng ngay hoạt động đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm, không tuân thủ đúng quy định, kế hoạch tổ chức sản xuất đã được chấp thuận. Hiện, các doanh nghiệp cũng tích cực phối hợp với ngành chức năng, chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người lao động nhằm tạo tâm lý yên tâm cho người lao động làm việc, tạo lực lượng lao động “xanh”; đồng thời tiếp tục điều chỉnh, củng cố, sẵn sàng phương án “an toàn để sản xuất, sản xuất phải bảo đảm an toàn”; tiếp tục tái cơ cấu, cải cách các nguồn lực để đáp ứng yêu cầu của khách hàng và thị trường./.
http://baonamdinh.com.vn/