HĐND huyện Nam Trực đổi mới, nâng cao công tác giám sát

Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, HĐND huyện Nam Trực đã sớm ổn định tổ chức, đi vào hoạt động theo đúng luật định; đồng thời phát huy vai trò, chức năng, quyền hạn, thực hiện công tác giám sát, giải quyết những vấn đề cử tri, nhân dân kiến nghị, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thường trực HĐND huyện Nam Trực khảo sát địa bàn, lên kế hoạch giám sát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. 

Đồng chí Trần Xuân Sang, Phó Chủ tịch HĐND huyện Nam Trực cho biết, ở nhiệm kỳ mới, hoạt động giám sát đã được Thường trực HĐND huyện và các Ban của HĐND chú trọng triển khai, tăng cường thực hiện bằng những giải pháp hiệu quả theo đúng quy định của luật. Trong giám sát thường xuyên, từ năm 2021 đến nay, Thường trực HĐND huyện đã định kỳ làm việc trực tiếp, giám sát hoạt động của UBND huyện, các ngành chuyên môn về các lĩnh vực, vấn đề nhiều cử tri quan tâm như tài chính, tài nguyên môi trường, đầu tư công, thuế, y tế, chính sách bảo trợ xã hội, người có công... Đối với giám sát chuyên đề, năm 2021 Thường trực HĐND huyện đã tổ chức giám sát nội dung “Việc chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ đã hiến đất làm đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện trên địa bàn huyện giai đoạn 2015-2020”. Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện tổ chức giám sát chuyên đề “Công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp có mức sống trung bình năm 2021 đối với các xã, thị trấn”. Ban Pháp chế HĐND huyện giám sát chuyên đề “Công tác cải cách hành chính và công tác lưu trữ văn bản của HĐND và UBND các xã thị trấn giai đoạn 2020-2021”. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Thường trực HĐND huyện tổ chức giám sát “Công tác quản lý thu, chi các khoản thu theo dự toán ngân sách 2 năm 2020, 2021” đối với các xã: Nam Tiến, Nam Dương, Hồng Quang, Nam Mỹ và thị trấn Nam Giang.

Nét hoạt động nổi bật của HĐND huyện thời gian qua là các Ban của HĐND huyện cũng đã tổ chức giám sát những chuyên đề đang được cử tri quan tâm, tạo hiệu ứng sâu rộng trong xã hội. Trong đó, Ban Kinh tế - Xã hội giám sát việc thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020 tại nhiều đơn vị liên quan. Kết quả cho thấy, trong giai đoạn 2016-2020, toàn huyện đã tổ chức 77 lớp đào tạo các nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho lao động nông thôn với tổng số 2.596 học viên tham gia, tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng. Thông qua giám sát, Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện đã chỉ ra 7 ưu điểm và 4 tồn tại, hạn chế của việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, ưu điểm nổi bật là thông qua chương trình, số lao động nông thôn được đào tạo nghề đã nâng lên rõ rệt; lao động học nghề nông nghiệp áp dụng tốt kiến thức đã học vào phát triển trồng trọt, chăn nuôi tại gia đình; lao động học nghề phi nông nghiệp được doanh nghiệp tuyển dụng, tạo thu nhập ổn định nâng cao đời sống. Những hạn chế, tồn tại gồm công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa thường xuyên, chưa sâu rộng, chỉ tập trung tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh, hình thức tuyên truyền qua các hội nghị của tổ chức đoàn thể hoặc trực tiếp đến người dân chưa hiệu quả. Công tác phối hợp với các cơ sở đào tạo trong việc tuyển sinh, quy trình mở lớp học, tổ chức đào tạo nghề ở một số xã, thị trấn chưa được chú trọng, vì vậy giai đoạn 2016-2020 mới có 10/20 xã, thị trấn triển khai chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Công tác phối hợp điều tra, dự báo nhu cầu người học nghề, tư vấn cho người lao động của một số cơ quan quản lý Nhà nước và địa phương chưa thường xuyên, chưa sát với thực tế phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương... Ban Pháp chế HĐND huyện giám sát chuyên đề “Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện chính sách pháp luật về chứng thực của UBND các xã Nghĩa An, Bình Minh từ đầu năm 2021 đến hết tháng 3-2022”. Kết quả, trong thực hiện chính sách pháp luật về chứng thực, UBND xã Nghĩa An đã tiếp nhận 1.025 thủ tục; UBND xã Bình Minh tiếp nhận 1.444 thủ tục liên quan đến công tác chứng thực; kết quả 100% hồ sơ đều được chính quyền 2 địa phương giải quyết xong, trả đúng hạn đến người dân. Về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xã Nghĩa An đã tiếp 88 lượt công dân với 33 vụ việc đều thuộc thẩm quyền của UBND xã, trong đó có 1 đơn khiếu nại, 11 đơn tố cáo, 21 đơn phản ánh kiến nghị. UBND xã đã giải quyết xong 20 vụ việc, tồn đọng 13 vụ việc đều liên quan đến lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, thời gian xảy ra đã khá lâu gây khó khăn cho quá trình giải quyết. UBND xã Bình Minh tiếp nhận 16 vụ việc đều thuộc thẩm quyền gồm 2 đơn tố cáo, 14 đơn kiến nghị và 100% vụ việc đều được giải quyết thấu tình, đạt lý, đến nay không có công dân trực tiếp đến phản ánh, kiến nghị, tố cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương. Về cơ bản, UBND xã Nghĩa An, Bình Minh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân theo đúng trình tự, thủ tục, khách quan, chính xác, bảo đảm quyền lợi chính đáng của công dân. Tuy nhiên, ở cả 2 địa phương này đều chưa bố trí phòng riêng để phục vụ công tác tiếp dân; công tác tiếp dân chưa đi vào nền nếp; công dân thực hiện việc phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo vào tất cả các ngày trong tuần; việc phân loại đơn thư vẫn còn nhầm lẫn giữa đơn phản ánh và đơn tố cáo dẫn đến quy trình giải quyết chậm; công tác lưu trữ hồ sơ giải quyết đơn thư chưa khoa học. Sau khi có kết quả giám sát, Ban Pháp chế HĐND huyện đã ban hành văn bản kiến nghị, đề xuất rất cụ thể đối với cấp ủy, chính quyền 2 xã Nghĩa An, Bình Minh nhằm kịp thời phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế, yếu kém nhằm phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới HĐND huyện Nam Trực tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động bằng nhiều giải pháp, trong đó lựa chọn các chuyên đề phát sinh từ thực tiễn liên quan đến đời sống dân sinh và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện để tổ chức giám sát; đồng thời tăng cường các hoạt tiếp xúc cử tri, dành thời gian nhiều hơn ở mỗi kỳ họp thường lệ để các đại biểu, phòng, ban chức năng thảo luận, chất vấn, trả lời chất vấn. Qua đó khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của HĐND và đại biểu HĐND huyện là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân, hoạt động phụng vụ sự phát triển chung của quê hương, đất nước./.

http://baonamdinh.com.vn/