Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định tham gia thảo luận tại tổ về các dự án Luật Nhà giáo, Luật Việc làm (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 9/11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở tổ về các dự án: Luật Nhà giáo; Luật Việc làm (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định tham gia thảo luận tại Tổ số 19 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Phú Thọ và Bình Dương.

Tham gia góp ý về dự án Luật Nhà giáo và dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định thống nhất cao cần thiết ban hành các dự án luật; đồng thời góp ý, bổ sung một số nội dung nhằm đảm bảo luật được xây dựng chặt chẽ và sát thực tiễn, thuận lợi trong quá trình thực hiện khi luật ban hành, có hiệu lực.

Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận.
Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận.
 

Đối với dự án Luật Nhà giáo, các ĐBQH cho rằng, Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vị trí, vai trò của nhà giáo, tạo cơ sở pháp lý để điều chỉnh chế độ, chính sách đối với nhà giáo cũng như tạo điều kiện cho nhà giáo phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Đặc biệt, bảo đảm sự nhất quán về quan điểm, chủ trương của Đảng là “giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu”.

Đồng chí Trần Thị Quỳnh, giáo viên trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định), Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận. (
Đồng chí Trần Thị Quỳnh, giáo viên trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định), Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận.
 

Đóng góp ý kiến cụ thể vào dự thảo luật, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, làm rõ việc sửa đổi bổ sung các quy định về điều động, biệt phái, thuyên chuyển nhà giáo. Trong đó, xem xét thời hạn 3 năm có thể giảm xuống còn 2 năm, hoặc quy định những trường hợp đặc biệt do cơ quan có thẩm quyền quản lý quyết định, để đảm bảo những tình huống phát sinh trong thực tiễn. Cần rà soát các quy định để đảm bảo tính tương thích của nhà giáo trong hệ thống giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các khối đặc thù như: công an, quân đội và hệ thống các trường đảng để thực sự phù hợp, vì ở trong dự thảo luật chỉ mới quy định tập trung vào giáo viên mầm non và phổ thông. Đối với chế độ làm việc của nhà giáo dự thảo luật có thể xem xét tính toán, quy định nhà giáo làm việc 8 giờ/ngày, hoặc 5 ngày/tuần và trong thời gian các tiết dạy, giờ dạy thì vẫn theo định mức như hiện nay. Đối với vấn đề đạo đức nhà giáo, dự thảo luật cần làm rõ hơn các quy định về tính nêu gương, bảo vệ nhà giáo trong bối cảnh hiện nay. Cụ thể như: bảo vệ hành vi bạo lực nhà giáo đến từ học sinh, phụ huynh hoặc các bên khác và có các chế tài để xử lý vi phạm đối với các vi phạm về đạo đức của nhà giáo; đồng thời cũng cần bổ sung thêm quy định về vấn đề đào tạo nâng cao đạo đức, kỹ năng cho nhà giáo.

Quang cảnh phiên thảo luận.
Quang cảnh phiên thảo luận.
 

Góp ý kiến vào dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cần xem xét không nên quy định thêm thủ tục hành chính là phải đăng ký lao động đối với người tham gia bảo hiểm bắt xã hội. Không nên quy định việc Trung tâm Dịch vụ việc làm lấy tiền ngân sách nhà nước phục vụ khi tư vấn, giải quyết việc làm cho người lao động và cung cấp thị thông tin thị trường lao động; vì Trung tâm Dịch vụ việc làm hoạt động theo phương thức xã hội hóa. Tại điều 41 quy định Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cấp chứng chỉ đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động là khó thực hiện, vì việc thẩm định kỹ năng nghề còn liên quan đến nhân lực, trình độ, nguồn lực để phục vụ việc đánh giá...

https://baonamdinh.vn/