Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động
Với tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nam Định không ngừng nỗ lực, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh.
|
Đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng và các đại biểu khảo sát công tác bảo đảm an toàn giao thông tại nút giao cắt giữa đường sắt và đường Giải phóng - Văn Cao (thành phố Nam Định). |
Đoàn ĐBQH tỉnh luôn quan tâm, duy trì thường xuyên hoạt động tiếp xúc cử tri nhằm gắn bó, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tổng hợp ý kiến của cử tri phản ánh đến các kỳ họp, đôn đốc việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền. Trong năm, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri bằng các hình thức trực tiếp và trực tuyến; thay đổi khu vực tiếp xúc cử tri với ĐBQH; duy trì việc tiếp xúc cử tri nơi làm việc của ĐBQH tỉnh; mở rộng đối tượng tiếp xúc cử tri theo chuyên đề với công nhân lao động và cán bộ lãnh đạo của tỉnh hiện đã nghỉ hưu, đang sinh hoạt tại Câu lạc bộ Thiên Trường tỉnh Nam Định. Đặc biệt, đối với những vấn đề nổi cộm được cử tri quan tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức giám sát, khảo sát trực tiếp, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan giải quyết kịp thời, đảm bảo quyền lợi chính đáng của cử tri và nhân dân. Đơn cử như qua tiếp nhận đơn kiến nghị của cử tri hiện đang sinh sống tại khu vực đường Phù Nghĩa đối với việc di dời bãi tập kết rác nằm trên địa bàn các tổ 2, 3, 5 của phường Lộc Hạ, thành phố Nam Định, Đoàn ĐBQH tỉnh đã yêu cầu UBND thành phố Nam Định, UBND phường Lộc Hạ và Công ty Cổ phần Môi trường Nam Định báo cáo bằng văn bản các nội dung liên quan, đồng thời tiến hành khảo sát thực địa và tổ chức buổi làm việc với các đơn vị liên quan. Tại buổi giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị, UBND thành phố Nam Định và phường Lộc Hạ và Công ty Cổ phần Môi trường Nam Định thực hiện ngay các giải pháp trước mắt, giải pháp lâu dài để khắc phục những kiến nghị cử tri nêu. Qua đó đã nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền thành phố và Công ty Cổ phần Môi trường Nam Định trong công tác bảo đảm vệ sinh môi trường ở điểm tập kết rác đường Phù Nghĩa. Đến nay, tình trạng ô nhiễm tại điểm tập kết rác đã được giảm thiểu.
Hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh, các ĐBQH tiếp tục được đổi mới, kết hợp giữa xem xét báo cáo với khảo sát, kiểm tra thực tế, đảm bảo đúng trọng tâm, thực chất và đi sâu vào những vấn đề đang được cử tri quan tâm. Trong năm, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiến hành giám sát 4 chuyên đề theo yêu cầu của Đoàn giám sát của Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chương trình giám sát năm 2024 của Đoàn, gồm: “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh Nam Định”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023 trên địa bàn tỉnh Nam Định”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh Nam Định”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác đăng ký, quản lý hộ tịch giai đoạn 2016-2023 trên địa bàn tỉnh Nam Định”. Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phát hiện ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành pháp luật hiện hành của các đối tượng có liên quan, từ đó có đánh giá toàn diện, khách quan, tổng hợp và xây dựng báo cáo kết quả giám sát chuyên đề gửi Đoàn giám sát của Quốc hội và Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng thời gian quy định. Đoàn đã kiến nghị, đề xuất 35 vấn đề với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để rà soát, sửa đổi, điều chỉnh những quy định chưa phù hợp và bổ sung những quy định mới cần thiết; đồng thời đưa ra những kiến nghị với UBND tỉnh và các ngành chức năng, các đơn vị có liên quan để đảm bảo triển khai, thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật, qua đó góp phần nâng cao, hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Điểm nổi bật trong hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh là hoạt động tại các kỳ họp Quốc hội, với sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm trước cử tri, các đại biểu đã dành toàn bộ thời gian cho hoạt động Quốc hội, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của người đại biểu dân cử. Trong đó, cùng với việc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, Đoàn ĐBQH tỉnh luôn quan tâm tham gia thảo luận, xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước; chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030… Các ý kiến phát biểu, thảo luận của các vị ĐBQH trong Đoàn đã bảo đảm đúng đường lối, chính sách của Đảng, định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, có tính thực tiễn cao, một số ý kiến đã được ghi nhận và được Ban soạn thảo tiếp thu. Đơn cử như tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã phát biểu thảo luận làm rõ sự hợp lý của việc tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua Nam Định với 5 nhóm nội dung chính như: Ga đường sắt tốc độ cao đi qua Nam Định đã được quy hoạch hệ thống đường sắt quốc gia và trong quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ga Nam Định có từ thời Pháp thuộc, hiện vẫn là ga lớn nhất khu vực đồng bằng sông Hồng về lưu lượng hành khách, hàng hóa. Tiềm năng, thế mạnh về kinh tế, văn hóa, giao thông kết nối của Nam Định trong khu vực sẽ phát huy hiệu quả kinh tế khi Ga đường sắt tốc độ cao qua Nam Định. Điều kiện phù hợp với các nguyên tắc đặt Ga đường sắt tốc độ cao mà Chính phủ đưa ra. Tâm thế sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện đón nhận việc đầu tư xây dựng Ga đường sắt tốc độ cao trên địa bàn của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Nam Định... Những ý kiến này đã đại diện cho tiếng nói của tỉnh phản ánh sát thực, sự hợp lý, cần thiết và hiệu quả khi tuyến đường sắt đi qua Nam Định, góp phần để Quốc hội thông qua dự án.
Công tác truyền thông về hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh cũng luôn được đổi mới. Trước các kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh ban hành văn bản đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh phối hợp đưa tin về các hoạt động giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri của Đoàn tại các đơn vị, địa phương. Trong thời gian diễn ra kỳ họp, Đoàn phối hợp với Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh trong công tác thông tin về các kỳ họp và hoạt động của Đoàn tại kỳ họp. Trong đó, trên các ấn phẩm báo điện tử và báo in và các chương trình thời sự của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã phản ánh đầy đủ mọi hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh, các vị ĐBQH tỉnh tại các phiên thảo luận tại tổ, thảo luận tại hội trường, chất vấn và tranh luận, qua đó giúp truyền tải kịp thời, đầy đủ thông tin về kỳ họp cũng như hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh đến cử tri và nhân dân. Ngay sau các kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp tổ chức ngay hội nghị tiếp xúc cử tri để kịp thời thông tin về kết quả kỳ họp và hoạt động của Đoàn tại kỳ họp để nhân dân theo dõi…
Tích cực triển khai các hoạt động, năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đã tham gia 57 ý kiến phát biểu tại tổ và hội trường, 7 lượt ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn về các nội dung quan trọng tại các kỳ họp; tổ chức 26 cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp 24 ý kiến, kiến nghị gửi tới các cấp, các ngành chức năng xem xét, giải quyết theo quy định... Với những đóng góp tích cực và trách nhiệm, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đã thể hiện rõ vai trò là cầu nối giữa cử tri và Quốc hội, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội và giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
https://baonamdinh.vn/