Thứ 3 Ngày 28/9/2021
ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022

Đăng ngày 01 - 07 - 2022
Lượt xem: 83
100%

 

Ngày 30-6, tại Hà Nội, Bộ Chính trị tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) giai đoạn 2012-2022 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội Chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng; thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC; lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành Trung ương. Hội nghị được truyền trực tuyến đến 4.000 điểm cầu trên toàn quốc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Dự hội nghị tại điểm cầu Nam Định có đồng chí: Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh.

Kết quả công tác PCTN, TC 10 năm qua được thể hiện trên các nhóm vấn đề lớn: Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTN, TC. Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được quan tâm, đẩy mạnh, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được quan tâm hơn, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng, tiêu cực”. BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng. Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 2.000 nghị định, quyết định. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành hàng ngàn văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hóa và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về quản lý kinh tế - xã hội, PCTN, TC, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả. Công tác cán bộ, cải cách hành chính, công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các giải pháp PCTN, TC được chú trọng, đạt những kết quả tích cực. Công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục về PCTN, TC được đổi mới, tăng cường; vai trò của MTTQ, nhân dân và báo chí trong PCTN, TC được phát huy tốt hơn. Ban Chỉ đạo và các cơ quan, đơn vị chức năng PCTN, TC, chú trọng kiện toàn về tổ chức, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động. Các cơ quan nội chính, kiểm tra của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được củng cố, kiện toàn, phối hợp ngày càng chặt chẽ, kịp thời, thực sự phát huy vai trò nòng cốt trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), Ban Bí thư đã ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo PCTN, TC cấp tỉnh. Các Tỉnh ủy, Thành ủy đang khẩn trương quyết định thành lập và triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác PCTN, TC ở địa phương, cơ sở. 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, từ việc phát huy kết quả và rút kinh nghiệm về công tác đấu tranh, PCTN trong các giai đoạn trước, trong 10 năm gần đây, với việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, lãng phí (trực thuộc Bộ Chính trị) đến nay, công tác đấu tranh PCTN đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới. Theo đó, thứ nhất, phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, TC; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng, tiêu cực”. Thứ ba là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ “tham nhũng vặt”; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện và công khai, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Thứ tư là tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Thứ năm là tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN, TC, trước hết là các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các cơ quan nội chính từ Trung ương đến địa phương. 

Từ những kết quả và kinh nghiệm đạt được trong thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng rằng, công tác PCTN, TC trong thời gian tới sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và đạt hiệu quả cao hơn nữa. Tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi; góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và xứng đáng với niềm tin yêu, sự mong đợi của nhân dân./.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giao ban Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện, thành phố(15/04/2024 7:42 SA)

HĐND tỉnh tổ chức kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất(09/04/2024 9:48 SA)

Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động đối với đại biểu HĐND tỉnh(05/04/2024 8:01 SA)

Hội thảo nâng cao chất lượng hoạt động Tổ đại biểu HĐND tỉnh(25/03/2024 8:40 SA)

HĐND tỉnh tổ chức kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất(14/03/2024 8:43 SA)

°
2261 người đang online