Thứ 3 Ngày 28/9/2021
ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

Phân định 3 cấp độ phòng thủ dân sự để ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa

Đăng ngày 25 - 05 - 2023
Lượt xem: 172
100%

Chiều 24-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ năm, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.

 

 Quang cảnh phiên họp.
Quang cảnh phiên họp.
 

Tại phiên họp, giải trình một số nội dung của dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã được xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ tư cuối năm 2022 và sau đó được chỉnh lý, cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 2-2023, sau đó tiếp tục được hoàn thiện trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vào tháng 4-2023 vừa qua.

Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện có 7 chương với 57 điều.

Quy định khung để bảo đảm thực hiện đồng bộ, hiệu quả hoạt động phòng thủ dân sự

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, một số ý kiến đại biểu cho rằng, dự thảo luật có phạm vi điều chỉnh rộng, cần rà soát để tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các luật chuyên ngành và chỉ quy định những vấn đề chung mang tính nguyên tắc để bảo đảm tính khả thi; đề nghị xây dựng luật này theo hướng dẫn chiếu những quy định của các luật khác để tránh trùng lặp hoặc xung đột; bổ sung các quy định còn thiếu trong các luật khác. 

ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) phát biểu thảo luận về  dự thảo Luật phòng thủ dân sự
ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) phát biểu thảo luận về dự thảo Luật phòng thủ dân sự.
 

Nói rõ về vấn đề này, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết: Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự có liên quan đến hoạt động, chính sách, biện pháp… phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh đã quy định tại nhiều luật chuyên ngành có liên quan nên dự thảo luật cần xác định phạm vi điều chỉnh trên cơ sở quy định những nguyên tắc, xác định những vấn đề chung nhất, bao quát, ổn định nhất để thực hiện đồng bộ, hiệu quả hoạt động phòng thủ dân sự.

Trên cơ sở ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý phạm vi điều chỉnh; đồng thời, rà soát, quy định rõ thêm các nội dung khác liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự như: Cấp độ phòng thủ dân sự (Điều 7); Xây dựng chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự (Điều 11); Xây dựng Kế hoạch phòng thủ dân sự (Điều 12); Biện pháp ứng phó trong từng cấp độ phòng thủ dân sự, hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh (Điều 23, 24, 25, 26, 27); Biện pháp khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trong phòng thủ dân sự (Điều 28).

Để tạo cơ sở cho việc triển khai các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp với từng cấp độ, dự thảo luật quy định: Cấp độ phòng thủ dân sự; căn cứ xác định các cấp độ phòng thủ dân sự; các biện pháp được áp dụng trong từng cấp độ phòng thủ dân sự và thẩm quyền được áp dụng của các cấp chính quyền...

Phân định 3 cấp độ phòng thủ dân sự để ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.
 

Đáng chú ý, trong quá trình thảo luận, một số ý kiến đại biểu cho rằng, dự thảo luật quy định thành 3 cấp độ phòng thủ dân sự; tuy nhiên lại có 5 cấp độ rủi ro thiên tai, nên đề nghị nghiên cứu, xem xét việc phân loại cấp độ về phòng thủ dân sự và cấp độ rủi ro thiên tai, bảo đảm thống nhất, phù hợp với các luật khác.

Làm rõ về băn khoăn trên, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới đã nêu rõ: Việc phân định cấp độ phòng thủ dân sự để điều chỉnh thống nhất chung hoạt động của các cấp chính quyền, lực lượng tham gia phòng thủ dân sự và người dân trong ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa.

Hiện nay, quy định về cấp độ đối với các loại sự cố được quy định khác nhau ở các luật chuyên ngành có liên quan, gắn với đặc điểm, đặc thù của từng loại hình sự cố. Luật Phòng, chống thiên tai quy định cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai thành 5 cấp và được gắn với một màu đặc trưng; Luật Bảo vệ môi trường phân chia sự cố theo cấp hành chính (sự cố cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia); Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm chia theo nhóm bệnh truyền nhiễm (Nhóm A, Nhóm B và Nhóm C); Luật Năng lượng nguyên tử phân thành 5 nhóm tình huống để làm cơ sở xây dựng kế hoạch ứng phó...

"Do đó, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự chỉ quy định các cấp độ chung nhất, tùy theo loại sự cố, thảm họa của luật chuyên ngành để áp dụng các biện pháp ứng phó phù hợp", Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nói.

Theo đó, căn cứ vào thông tin về rủi ro thiên tai, nhóm bệnh truyền nhiễm, hay các rủi ro khác do cơ quan chuyên môn công bố, các cấp chính quyền đánh giá, đối chiếu với khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa của chính quyền và lực lượng phòng thủ dân sự tại địa phương để xác định và ban bố cấp độ phòng thủ dân sự trên địa bàn quản lý; từ đó áp dụng các biện pháp ứng phó, khắc phục phù hợp.

Như vậy, việc chính quyền địa phương ban bố cấp độ phòng thủ dân sự trên địa bàn quản lý không chồng chéo với quy định hiện hành về công bố rủi ro thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm hoặc các rủi ro khác.

Việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị phòng thủ dân sự phải được thực hiện từ trước khi xảy ra sự cố, thảm họa

Ngoài ra, cũng trong quá trình thảo luận, một số ý kiến đại biểu còn đề nghị cần quy định cụ thể việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị phòng thủ dân sự phải bảo đảm theo từng cấp độ; quy định việc mua sắm trong những trường hợp cấp bách để vừa bảo đảm quy định của pháp luật, vừa đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra; đề nghị cân nhắc quy định này vì dẫn đến chồng chéo giữa các bộ, ngành khi ban hành quy định liên quan về trang bị phòng thủ dân sự.

Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nêu rõ: Việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị phòng thủ dân sự phải được thực hiện từ trước khi xảy ra sự cố, thảm họa, bảo đảm nguyên tắc phòng ngừa từ sớm, từ xa. Do đó, không thể chờ đến khi công bố sự cố, thảm họa cấp độ nào mới mua sắm, trang bị.

Trong trường hợp cấp thiết, cần bổ sung, mua sắm mới trang thiết bị phòng thủ dân sự có thể thực hiện theo quy trình thủ tục chỉ định thầu (đã được quy định tại dự thảo Luật đấu thầu).

Theo đó, tại khoản 2 Điều 14 về trang bị phòng thủ dân sự quy định Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục trang thiết bị phòng thủ dân sự; hướng dẫn việc sản xuất, dự trữ, sử dụng trang thiết bị phòng thủ dân sự.

Đồng thời, việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị phòng thủ dân sự phải thực hiện theo kế hoạch phòng thủ dân sự các cấp. Do đó, sẽ hạn chế việc quy định chồng chéo giữa các bộ, ngành trong mua sắm, dự trữ trang thiết bị phòng thủ dân sự.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn các vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính và lĩnh vực ngoại giao(19/03/2024 9:12 SA)

Hội nghị trực tuyến toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV(08/03/2024 10:29 SA)

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát chuyên đề tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội(31/01/2024 10:26 SA)

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tặng quà Tết 260 gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn(22/01/2024 9:10 SA)

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV(06/12/2023 4:04 CH)

°
403 người đang online