Ngày 2/12, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tiếp xúc cử tri tại một số địa phương trong tỉnh để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại Kỳ họp, đồng thời lắng nghe, tiếp thu những kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội.
|
Các đồng chí: Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Thị Thúy Ngọc, Chánh Văn phòng Hội LHPN tỉnh tiếp xúc cử tri thành phố Nam Định. Ảnh: Văn Trọng |
Các đồng chí: Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Thị Thúy Ngọc, Chánh Văn phòng Hội LHPN tỉnh tiếp xúc cử tri thành phố Nam Định, huyện Vụ Bản. Các đồng chí: Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Khương Thị Mai, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nhôm Nam Sung Việt Nam tiếp xúc cử tri các huyện Nghĩa Hưng, Nam Trực. Các đồng chí: Võ Văn Kim, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam; Trần Thị Quỳnh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) tiếp xúc cử tri các huyện Trực Ninh, Xuân Trường.
|
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Thành Ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nam Định dự buổi tiếp xúc cử tri thành phố Nam Định. Ảnh: Văn Trọng |
Dự buổi tiếp xúc cử tri thành phố Nam Định có đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nam Định. Dự các buổi tiếp xúc cử tri có lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh và các huyện.
Tại hội nghị, Đoàn ĐBQH tỉnh đã báo cáo với cử tri về kết quả Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV và báo cáo hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại Kỳ họp thứ tám. Theo đó, sau 29,5 ngày làm việc với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, chủ động, khẩn trương và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với việc xem xét 51 nội dung, nhóm nội dung, bao gồm: 33 nội dung thuộc công tác lập pháp, 18 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời, có 12 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để ĐBQH nghiên cứu. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết, bên cạnh đó đã cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác; xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; cùng với đó, Quốc hội đã xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025, các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia và nhiều vấn đề quan trọng; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp tổ chức hội nghị tiếp xúc trực tuyến tại điểm cầu của tỉnh với 9 điểm cầu của 8 huyện và thành phố Nam Định. Qua đó, Đoàn đã tổng hợp 6 ý kiến, kiến nghị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để chuyển đến các bộ, ngành Trung ương theo quy định. Tại Kỳ họp thứ tám, Đoàn ĐBQH tỉnh đã nghiêm túc, tích cực thực hiện trách nhiệm, hoàn thành toàn diện trên cả 3 hoạt động của Quốc hội là lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Các đại biểu tích cực trong hoạt động chính thức của Quốc hội cũng như các hoạt động bên lề, qua đó chuyển tải được tiếng nói của cử tri và nhân dân tỉnh ta tới Quốc hội và thể hiện vai trò của ĐBQH, thể hiện được vị trí của Đoàn ĐBQH tỉnh trong Quốc hội. Trong đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có 21 lượt phát biểu tại tổ thảo luận về Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; các dự thảo Luật: Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Đầu tư công; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố... Có 6 lượt phát biểu, thảo luận và 2 lượt tranh luận tại Hội trường về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024; dự thảo Di sản văn hóa (sửa đổi); dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi); dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi)… Có 2 đại biểu tham gia chất vấn trực tiếp Thủ tướng Chính phủ về giải pháp đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với các bộ, ngành, các địa phương trong thời gian tới; chất vấn trực tiếp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tình hình triển khai nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 143/NQ-CP của Chính phủ để khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Nhìn chung, các ý kiến phát biểu, thảo luận của các vị ĐBQH trong Đoàn đã bảo đảm đúng đường lối, chính sách của Đảng, định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, một số ý kiến được ghi nhận tại các luật, nghị quyết đã được thông qua tại kỳ họp này.
Với tinh thần thẳng thắn, cởi mở, cử tri các địa phương bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước những kết quả của Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV và đánh giá cao kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh trên các mặt công tác, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân, cử tri trong tỉnh và thể hiện được vị trí của Đoàn trong Quốc hội. Bên cạnh đó, cử tri phát biểu nhiều ý kiến, kiến nghị với Đoàn ĐBQH tỉnh về những vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương.
Cử tri thành phố Nam Định đề nghị Chính phủ sửa đổi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 về mức trợ cấp ngày công lao động đối với dân quân bởi mức phụ cấp này quá thấp so với mặt bằng chung ngày công lao động phổ thông hiện nay nên khó khăn cho việc huy động lực lượng dân quân làm nhiệm vụ huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ địa phương yêu cầu (phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn...). Đề nghị các cấp, các ngành sớm có văn bản triển khai hướng dẫn thực hiện nội dung hỗ trợ kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Khoản 2, Điều 22, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 giúp bộ máy cấp huyện, cấp xã của tỉnh đã thực hiện sắp xếp có nguồn hỗ trợ để chi cho các hoạt động.
|
Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Vụ Bản. Ảnh: Văn Trọng |
Cử tri huyện Vụ Bản rất vui mừng, phấn khởi khi Quốc hội quyết định thông qua chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đây là công trình đặc biệt quan trọng đối với phát triển đất nước, góp phần nâng tầm vị thế, cơ đồ của quốc gia trong kỷ nguyên mới. Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tính toán sơ bộ tổng vốn đầu tư bảo đảm chính xác, tin cậy và thuyết phục; hạn chế việc vượt tổng mức đầu tư do yếu tố chủ quan khi phê duyệt dự án đầu tư và tránh tình trạng đội vốn, đội thời gian khi triển khai đầu tư, thi công công trình. Đối với lĩnh vực giáo dục, cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, chỉ đạo các trường nên bỏ xét tuyển bằng kết quả học bạ; không nên xét tuyển sớm; khuyến khích dùng điểm tốt nghiệp THPT để xét tuyển đầu vào, bởi hình thức này có độ tin cậy, bớt tốn kém, đảm bảo công bằng hơn. Liên quan đến chính sách đối với các Mẹ Việt Nam Anh hùng sau khi đã mất, cử tri đề nghị Nhà nước có chế độ trợ cấp thờ cúng như đối với chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, để thân nhân hương khói cho Mẹ Việt Nam Anh hùng... thể hiện đạo lý “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Ngoài ra, cử tri đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm lập dự án nâng cấp, khắc phục, sửa chữa tuyến đê bối sông Đào, đoạn qua địa phận xóm 6 (xã Tân Thành cũ) do ảnh hưởng của mưa bão, lũ bão số 3, bị ngập tràn, hư hỏng đe doạ sự cố thân đê, đáp ứng yêu cầu phòng, chống lụt bão.
|
Các đồng chí: Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Khương Thị Mai, Giám đốc Công ty TNHH Nhôm Nam Sung Việt Nam tiếp xúc cử tri huyện Nam Trực. Ảnh: Văn Huỳnh |
Cử tri huyện Nam Trực kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng nghiên cứu, xem xét cơ chế hỗ trợ đặc thù đối với đối tượng là hộ nghèo già, ốm, không có việc làm; đề nghị Trung ương, tỉnh quan tâm mở rộng mặt đê tả Đào với chiều rộng mặt đê 7m và nâng cấp lên thảm nhựa để nhân dân được đi lại; quan tâm tới đối tượng khuyết tật đặc biệt nặng để đưa vào chăm sóc nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội.
|
Đồng chí Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Nghĩa Hưng. Ảnh: Văn Huỳnh |
Cử tri huyện Nghĩa Hưng kiến nghị do huyện có địa hình thấp trũng nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang cây hàng năm, cây lâu năm (là cây trồng cạn) thì phải đào rãnh, lên luống. Trong đó, diện tích rãnh tối thiểu phải bằng 35% diện tích luống thì mới đủ đất để tạo luống cao đảm bảo không ngập úng cho cây trồng cạn, khi cần có thể khôi phục lại đất trồng lúa theo quy định. Nội dung này chưa được quy định trong Nghị định 112/2024/NĐ-CP ngày 11/9/2024 của Chính phủ nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của huyện Nghĩa Hưng là cần thiết và hiệu quả nhưng chưa có căn cứ để thực hiện. Đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét để điều chỉnh bổ sung, hướng dẫn thực hiện đối với nội dung trên để phù hợp với đặc điểm đất lúa vùng thấp trũng của huyện Nghĩa Hưng.
|
Các đồng chí: Võ Văn Kim, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam; Trần Thị Quỳnh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) tiếp xúc cử tri huyện Trực Ninh. Ảnh: Hồng Ngọc |
Cử tri huyện Trực Ninh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét cho lưu hành loại hình xe 3 bánh có động cơ vào hoạt động vận chuyển rác thải, hàng hóa nông sản, vật liệu xây dựng… nhờ ưu thế nhỏ, gọn, dễ di chuyển và hạn chế làm hư hỏng đường khi lưu thông vào ngõ nhỏ, hẹp và có thể cấp phép đăng ký, đăng kiểm, sát hạch đối với loại xe này. Xem xét, quan tâm hỗ trợ đối với người già (60 tuổi trở lên) không có lương hưu, cô đơn, không nơi nương tựa, nhưng không được hưởng trợ cấp do không thuộc đối tượng hộ nghèo, trong khi các xã đang phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần và không được phát sinh hộ nghèo mới.
Cử tri huyện Xuân Trường kiến nghị có giải pháp hỗ trợ tái định cư hoặc đền bù cho các hộ gia đình có diện tích đất ở chưa xây nhà, chưa sinh sống tại mảnh đất nằm trong phạm vi mốc lộ giới. Xem xét cơ chế đặc thù khi xây dựng các khu tái định cư, khu dân cư tập trung, khu nghĩa trang nhân dân khi phải di dời phục vụ bàn giao mặt bằng thi công các dự án trong trường hợp dự án yêu cầu tiến độ gấp. Kiến nghị việc đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố để người dân thuận tiện trong việc làm thủ tục hành chính. Đề nghị Trung ương và tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là hỗ trợ nguồn vốn để kiên cố hóa kênh mương dẫn nước, thủy lợi nội đồng, bê tông hóa những trục đường chính nội đồng thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất. Tuyến kênh Ngô Đồng đoạn từ cống Ngô Đồng vào khoảng một cây số nữa chưa được xây dựng, kiên cố 2 bên bờ kênh, có những chỗ đã sạt lở vào sát đường giao thông, đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng để đảm bảo an toàn giao thông và cảnh quan môi trường, thuận lợi cho tưới tiêu phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp của huyện.
Tại các điểm tiếp xúc cử tri, các vị ĐBQH tỉnh cảm ơn những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các cử tri; trao đổi, làm rõ thêm một số ý kiến, kiến nghị cử tri thuộc thẩm quyền. Đối với những kiến nghị không thuộc thẩm quyền, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp, chuyển đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri.
Sáng 3/11, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri tại các huyện Ý Yên, Giao Thủy và Hải Hậu./.