Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, HĐND các cấp trong tỉnh thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra, quyết tâm xây dựng Nam Định trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030.
|
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh khảo sát tại Bến thủy nội địa bốc xếp hàng hóa và nhà máy viên nén gỗ xuất khẩu ở xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng). |
Kỳ I: Nhiều giải pháp đồng bộ, nâng cao chất lượng hoạt động
Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 5.859 đại biểu HĐND ở ba cấp. Trong những năm qua, HĐND các cấp trong tỉnh luôn chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các đại biểu HĐND. Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành các chế độ, chính sách, quy định đối với đại biểu HĐND tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Trên cơ sở đó, HĐND các cấp phối hợp với UBND, Ủy ban MTTQ cùng cấp ban hành các quy chế phối hợp hoạt động, phối hợp trong thực hiện tiếp xúc cử tri, tiếp công dân cũng như chuẩn bị các kỳ họp HĐND. Duy trì tổ chức hội nghị giao ban giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện, thành phố; giữa Thường trực HĐND các huyện, thành phố với thường trực HĐND các xã, phường, thị trấn để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, kịp thời phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện các quy định mới và các công việc theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND tỉnh, HĐND cấp huyện.
Hàng năm, Thường trực HĐND tỉnh và Thường trực HĐND các huyện, thành phố tăng cường tổ chức hội thảo, tập huấn nghiệp vụ công tác. Trong tháng 3/2024, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng Tổ đại biểu HĐND tỉnh nhằm đánh giá kết quả hoạt động của các tổ đại biểu từ đầu nhiệm kỳ đến nay và đưa ra giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới như: Các Tổ đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục nâng cao trách nhiệm, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được quy định trong luật, trong quy chế hoạt động của HĐND tỉnh; nâng cao chất lượng xây dựng chương trình công tác, giám sát, kế hoạch phân công đại biểu tiếp công dân của Tổ đại biểu HĐND tỉnh; phương pháp nghiên cứu tài liệu, đóng góp ý kiến cho kỳ họp của Tổ đại biểu HĐND tỉnh; Công tác phối hợp giữa Tổ đại biểu HĐND tỉnh với Thường trực HĐND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố để tổ chức cho đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri, thu thập ý kiến cử tri, thực hiện tốt việc tổng hợp kiến nghị của cử tri; việc tổng kết đánh giá chất lượng hoạt động của Tổ đại biểu HĐND tỉnh hàng năm… Đây là cơ sở để các Tổ đại biểu HĐND tỉnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử (Ban Công tác đại biểu Quốc hội) tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND các huyện, thành phố; tổ chức cho các đại biểu HĐND tỉnh tham dự đầy đủ các lớp tập huấn kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND do Bộ Nội vụ tổ chức; chỉ đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh phối hợp với Trường Chính trị Trường Chinh, Sở Nội vụ tổ chức tập huấn cho đại biểu HĐND cấp huyện. Ở cấp huyện, Thường trực HĐND các địa phương tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ hoạt động cho đại biểu HĐND huyện và đại biểu HĐND các xã, phường, thị trấn; trong đó thường xuyên cập nhật những kiến thức pháp luật mới liên quan đến chức năng, nhiệm vụ hoạt động của HĐND. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND ba cấp trong tỉnh đã tổ chức 75 lớp tập huấn cho 5.681 đại biểu HĐND tham gia; cử 11.890 lượt đại biểu HĐND tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng do HĐND các cấp tổ chức. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, Thường trực HĐND tỉnh luôn hỗ trợ, hướng dẫn HĐND, đại biểu HĐND cấp huyện; Thường trực HĐND cấp huyện luôn hỗ trợ, hướng dẫn HĐND, đại biểu HĐND cấp xã khi có những khó khăn vướng mắc trong các hoạt động chuyên môn. Thông qua các hoạt động bồi dưỡng, hỗ trợ nghiệp vụ đã giúp đại biểu HĐND các cấp trong tỉnh nâng cao kiến thức, kỹ năng hoạt động.
Cùng với nâng cao chất lượng đội ngũ, HĐND các cấp chú trọng công tác phối hợp với UBND và Ủy ban MTTQ các cấp và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong xây dựng, triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh và thực hiện các kết luận sau giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh; tiếp xúc cử tri và giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, của đại biểu HĐND; tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; phối hợp, chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức các kỳ họp của HĐND cùng cấp và đặc biệt là việc tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Bên cạnh đó, Thường trực HĐND các cấp thực hiện nghiêm túc các phiên họp giám sát báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, trả lời chất vấn và kiến nghị sau giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND sau các kỳ họp thường lệ của UBND cùng cấp bảo đảm theo đúng Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đặc biệt, HĐND tỉnh tổ chức hội nghị nâng cao chất lượng hoạt động HĐND các cấp tỉnh Nam Định để đánh giá kết quả hoạt động nửa đầu nhiệm kỳ 2021-2026 và giải pháp nâng cao chất lượng trong thời gian tới. Đây là hội nghị đánh giá kết quả công tác đầu tiên mang quy mô toàn tỉnh với sự tham gia của Thường trực HĐND 3 cấp và các cơ quan, đơn vị có liên quan. Tại hội nghị, đã có 38 tham luận của UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh; các Ban của HĐND tỉnh; các sở, ngành, Thường trực HĐND cấp huyện, cấp xã. Nội dung tham luận đã đề xuất những giải pháp, kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động trên các lĩnh vực: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của HĐND; tăng cường vai trò, trách nhiệm của Thường trực HĐND, các Ban HĐND; nâng cao năng lực, uy tín của đại biểu HĐND các cấp; nâng cao chất lượng giám sát việc ban hành nghị quyết, giám sát chuyên đề, giải quyết kiến nghị cử tri của HĐND các cấp... Qua đó đã kịp thời tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp trong tỉnh.
Nhiều HĐND cấp huyện, xã đã tích cực linh hoạt, sáng tạo đổi mới hoạt động, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ quan dân cử ở địa phương. Đơn cử như: Thường trực HĐND huyện Trực Ninh tổ chức hội nghị tổng kết HĐND hai cấp hàng năm để Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Văn phòng HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ huyện, xã, thị trấn đánh giá kết quả hoạt động, chia sẻ thông tin, tình hình hoạt động, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức hoạt động. HĐND huyện Ý Yên thay vì kết hợp tổ chức tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND 2 cấp (tỉnh, huyện) khi thực hiện tiếp xúc cử tri cùng thời gian, địa điểm, đối tượng như trước đây, đã chủ động tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri riêng để tiếp cận được nhiều địa bàn và có nhiều thời gian lắng nghe, trao đổi làm rõ các ý kiến, kiến nghị cử tri quan tâm ở địa phương. HĐND xã Nam Thắng (Nam Trực) tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với HĐND xã trong việc chỉ đạo ban hành các nghị quyết xác định đúng và trúng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá để HĐND tổ chức triển khai thực hiện; trong tổ chức bộ máy và công tác cán bộ của HĐND xã, bảo đảm cả về số lượng và nâng cao chất lượng để HĐND thực hiện tốt các chức năng đại diện, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương theo quy định của pháp luật...
Đặc biệt HĐND các cấp trong tỉnh thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng các kỳ họp thường lệ cũng như các kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất. HĐND cấp tỉnh, cấp huyện tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, triển khai “kỳ họp HĐND không giấy”. HĐND tỉnh tổ chức nâng cấp phần mềm quản lý văn bản HĐND tỉnh và hỗ trợ đại biểu HĐND tỉnh một phần kinh phí để trang bị máy tính bảng phục vụ việc cập nhật thông tin, trao đổi tài liệu và họp trực tuyến...
Với việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo, chất lượng hoạt động của HĐND các cấp trong tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã nâng cao hiệu quả hoạt động, ngày càng thiết thực.