Thứ 3 Ngày 28/9/2021
ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định tham gia thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước

Đăng ngày 30 - 05 - 2024
Lượt xem: 26
100%

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 29-5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

 

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quỳnh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) phát biểu thảo luận tại hội trường.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cơ bản nhất trí với các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã đánh giá rất chi tiết, đầy đủ, căn cơ, bài bản, phân tích rõ những kết quả đạt được và cả những tồn tại, hạn chế trong thực hiện 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặt ra; đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan ở Trung ương và địa phương trong việc chủ động, linh hoạt, điều hành và xử lý kịp thời những vấn đề để duy trì sự ổn định phát triển của đất nước trong bối cảnh rất khó khăn vừa qua, nhiều ý kiến đồng tình với nhiệm vụ, giải pháp trong báo cáo của Chính phủ. 

Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quỳnh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định bày tỏ nhất trí với Báo cáo về kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 Chính phủ trình Quốc hội cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Khép lại năm 2023, kinh tế tiếp tục ghi dấu ấn khi tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,05%, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỉ USD, lạm phát được kiểm soát, chỉ số PMI tháng 4-2024 tăng trở lại trên ngưỡng 50 điểm, qua đó cho thấy sức khỏe ngành sản xuất được cải thiện nhẹ và là lần cải thiện thứ 3 trong bốn tháng qua. Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 4-2024 tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Giá xăng dầu tăng theo giá nguyên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,07% so với tháng 3, so với tháng 12-2023 tăng 1,19% và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước...

Đại biểu Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam phát biểu tại hội trường.

Đại biểu cho biết, hiện nay, kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột giữa một số nước là nguyên nhân gây áp lực lên giá năng lượng. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có những thách thức, đây cũng là trở ngại đối với triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu. Vì vậy, phải có những chính sách mạnh mẽ hơn đến từ chính sách tài khóa.

Bên cạnh đó, trong nhiều năm của đại dịch COVID-19 và bối cảnh lạm phát, thu nhập thực của doanh nghiệp và người dân bị sụt giảm. Trong thời gian qua, dù nền kinh tế gặp khó khăn nhưng những tháng đầu năm lại thặng dư ngân sách, đây là dấu hiệu không tốt của chính sách tài khóa, chính sách tài khóa chưa thực sự nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, Chính phủ nên nới lỏng chính sách tài khóa bằng biện pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Phát biểu về nội dung thực trạng lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại một số địa phương còn chậm; việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chưa sát với nhu cầu thực tế; tình trạng lãng phí, vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất còn diễn ra; đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng; đất của các nông, lâm trường để hoang hóa sau thanh tra, kiểm tra…, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho rằng, đây là thực trạng diễn ra trên toàn quốc cũng là điểm nghẽn cần có giải pháp hiệu quả trong thời gian tới.

Đại biểu cho rằng, công tác thẩm định giá đất gặp khó nên không thể đưa vào sử dụng. Đại biểu lấy ví dụ dự án xây chợ tại Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt dự án từ năm 2011, đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường của thành phố đã 29 lần gửi thư cho đơn vị có chức năng thẩm định giá đất nhưng đều không thành.

Đại biểu Vũ Trọng Kim đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có ý kiến chỉ đạo về vấn đề này; đồng thời đề nghị cần xem lại đơn vị có chức năng về thẩm định giá đất trước pháp luật, trong đó cần có chế tài đối với đơn vị 3 lần trở lên không thực hiện nhiệm vụ. Điều đáng nói, khó khăn trong công tác định giá đất đang diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước./.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV(03/07/2024 3:44 CH)

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ(10/06/2024 8:05 SA)

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội(08/06/2024 10:42 SA)

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia chất vấn tại hội trường(07/06/2024 7:58 SA)

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia chất vấn tại hội trường về...(05/06/2024 9:42 SA)

°
264 người đang online